NANOGRAPHIC – CÔNG NGHỆ IN NANO CỦA LANDA (PHẦN 1)
Trước khi nói về công nghệ in KTS của Landa ta cần điểm lại một chút về công nghệ Nano.
1. CÔNG NGHỆ NANO
Nếu Thế kỷ 20 được coi là cuộc cách mạng về công nghệ thông tin thì Thế kỷ 21 sẽ thuộc về công nghệ nano.
Một cách tổng quan, công nghệ nano chủ yếu liên quan đến việc thiết kế, phân tích, chế tạo vật liệu có kích thước từ 1 đến 100 nanômét (1 nm = 10-9 m) và điều khiển hình dáng, kích thước của chúng. Để dễ hình dung hơn ta có thể nói các vật liệu nano là các phần tử có kích thước một phần tỉ của m. Nói cách khác, công nghệ nano được coi là công nghệ siêu nhỏ.
Tính chất thú vị của vật liệu nano bắt nguồn từ kích thước của chúng rất nhỏ bé có thể so sánh với các kích thước tới hạn của nhiều tính chất hóa lí của vật liệu. Chỉ là vấn đề kích thước thôi thì không có gì đáng nói, điều đáng nói là kích thước của vật liệu nano đủ nhỏ để có thể so sánh với các kích thước tới hạn của một số tính chất. Vật liệu nano nằm giữa tính chất lượng tử của nguyên tử và tính chất khối của vật liệu. Đối với vật liệu khối, độ dài tới hạn của các tính chất rất nhỏ so với độ lớn của vật liệu, nhưng đối với vật liệu nano thì điều đó không đúng nên các tính chất khác lạ bắt đầu từ nguyên nhân này.
Ví dụ lớp phủ kim loại lên màng để làm màng metalize được hình thành từ những đô men, trong lòng một đô men, các nguyên tử có từ tính sắp xếp song song với nhau nhưng lại không nhất thiết phải song song với mô men từ của nguyên tử ở một đô men khác. Giữa hai đô men có một vùng chuyển tiếp được gọi là vách đô men. Độ dày của vách đô men phụ thuộc vào bản chất của vật liệu mà có thể dày từ 10-100 nm. Nếu vật liệu tạo thành từ các hạt chỉ có kích thước bằng độ dày vách đô men thì sẽ có các tính chất khác hẳn với tính chất của vật liệu khối vì ảnh hưởng của các nguyên tử ở đô men này tác động lên nguyên tử ở đô men khác.
Trong công nghệ in KTS của Landa – một công nghệ in đã phát triển cách đây 10 năm, chính thức giới thiệu tại Drupa 2012 như một ý tưởng đột phá và đến Drupa 2016 mới có mẫu máy in.
2. HẠT MỰC NANO
Điểm cốt lõi của công nghệ này là chế tạo các hạt mực có kích thước nano và điều khiển chúng rải lên bề mặt vật liệu in (giấy hay màng). Khi các hạt nano mực được phủ trên bề mặt của vật liệu bất kỳ, diện tích bề mặt phủ mực được tăng lên hàng triệu lần so với mực bình thường. Khả năng phủ mực lớn cho phép tác dụng hấp thụ – phản xạ màu mạnh mẽ với số lượng nhỏ mực in. Đặc biệt, công nghệ in nano cho phép kiểm soát độ tinh khiết của màu mực in làm cho mực có độ bão hoà màu cao hơn và khoảng màu phục chế lớn hơn.
Khi các hạt mực được chế tạo với kích thước nano có nhiều khả năng đặc biệt ví dụ như các hạt mực trở nên rất cứng và có khả năng chống lại sự mài mòn. Để dễ so sánh, ta có thể hình dung hạt mực in offset được chế tạp tốt nhất hiện nay có kích thước khoảng 500nm trong khi mực in của Landa có kích thưởng nhỏ hơn 10 lần (khoảng 50nm).
Tags: Nanographic | In Kỹ Thuật Số
< Previous Post Next Post >