Phân biệt các loại giấy ảnh

December 23 , 2019

0

Ngoài thị trường hiện tại có rất nhiều loại giấy để in ảnh, chưa kể các loại giấy in chuyên biệt khác, và nhãn mác bao bì không đúng, xuất xứ cũng khó mà nhận diện và phân biệt được. Có những khó khăn nhất định cho người chưa quen các loại giấy in ảnh. Đây là bài viết chia sẻ về phân biệt các loại giấy ảnh, đặc điểm của từng loại, để có thể sử dụng đúng cho yêu cầu của mình.

Một số loại giấy thường gặp

  • Giấy văn phòng hay dân giấy gọi là giấy Ford: Là loại giấy thông thường mà ta hay thấy nhất là giấy khổ A4, bề mặt nhám, giấy dùng nhiều trong tiệm photo, giấy in văn phòng, in văn bản, hợp đồng, sách, tài liệu... định lượng thấp từ 70-90gsm. 
  • Giấy Couche: Là giấy thường sử dụng để in tờ rơi tờ bướm, tạp chí... có bề mặt bóng, láng mịn, nhìn hơi chói sáng, có định lượng cho nhiều nhu cầu in từ 90-300gsm. Có loại Couche Matt là loại ít phản sáng chói mắt hơn, giá đắt hơn, và thường các tạp chí cao cấp sử dụng.
  • Giấy in ảnh bề mặt bóng (Glossy) thì có loại giấy chuyên dùng in ảnh. Ở đây nói về loại giấy sử dụng cho máy in phun là loại có đặc điểm dễ nhận dạng là bề mặt của giấy có độ sáng bóng, láng mịn tuỳ loại. Đó là loại giấy được tráng phủ lớp hợp chất giúp hút mực tốt và giữ màu lâu trên bề mặt, ngăn mực in loang trên giấy, chi tiết định vị chính xác. Định lượng giấy in ảnh nhiều loại từ 115gsm - 300gsm, khổ giấy thông dụng A5, A4 và A3. 

Giấy ảnh Glossy

Gồm nhiều tên gọi thương phẩm như Photo Glossy Paper, Premium Photo Glossy Paper…Đặc điểm có bề mặt giấy láng bóng, phản xạ ánh sáng cao. Bản in tạo cảm giác màu sắc đầy đủ và nịnh mắt, độ sâu màu cao hơn cùng với gam màu rộng hơn.Giấy bề mặt láng phù hợp với ảnh dân dụng, ảnh quảng cáo, đáp ứng với thị hiếu của số đông người dùng ưa chuộng bản in có  màu sắc rực rỡ, bóng bẫy.

  • Glossy RC: Là loại giấy in ảnh cao cấp, vì nó có lớp đế chống nước, chống trầy xước, xé rách, bề mặt gồm 7 lớp (theo lý thuyết) phủ bột giấy tương thích mức độ thấm mực để cho chất lượng bản in có màu sắc đẹp nhất, chi tiết và hình ảnh chân thực. Bề mặt giấy láng mịn cảm nhận được khi bạn rờ tay lên. Có RC sẽ giúp bản in bền màu, lâu phai, nhất là khi bạn in với mực gốc nước (Dye) phân biệt với mực gốc dầu (Pigment).
  • Glossy non-RC: Cũng là loại giấy bóng, nhưng phục vụ nhu cầu in ảnh phổ thông, chỉ có 3 lớp tráng phủ, không bền màu và bản in có chất lượng thấp hơn giấy Glossy RC. Giá cao hơn non-RC.
  • Khi cầm soi dưới ánh đèn, hoặc nguồn sáng chiếu vào mặt giấy, phần nào bạn có thể thấy độ mịn của giấy RC cao hơn, đã hơn nhiều so với giấy bóng thường. Bề mặt cũng không bị phản sáng chói lóa. Nhiều người đòi hỏi cao, không thích giấy bóng loáng, bề mặt in có cảm giác màu sâu hơn, sẽ chọn RC, mịn mờ hơn, và giá tiền đắt hơn.

Giấy ảnh Semi-Gloss

Thưởng thức một bức ảnh nghệ thuật được in trên SemiGloss Paper, sẽ tạo cho bạn cảm giác dễ chịu vì độ chói thấp, hoàn toàn không có hiện tượng phản chiếu ánh sáng trên bề mặt giấy này. Hình ảnh có thể được nhìn thấy rõ ràng từ mọi góc độ rộng hơn, và ít bị ảnh hưởng bởi các điều kiện ánh sáng mạnh khi xem ảnh. Khi Bạn nhìn ảnh in qua một khung kính, Giấy SemiGloss tỏ ra phù hợp và ưu thế vượt trội so với loại giấy Glossy thông thường.
Giấy bề mặt lụa mịn SemiGloss phù hợp với in ảnh Nghệ thuật, ảnh Chân dung, ảnh trưng bày triển lãm vì tạo cảm quan cao cấp, màu sắc trung thực và sắc sảo. Trên thị trường, giá trị giấy in ảnh SemiGloss thường đắt hơn nhiều khi so với loại giấy láng Glossy cùng thương hiệu.

Giấy Matte

Bề mặt bản in không có tính chất óng ánh, độ phản xạ cực kỳ thấp. Chúng có khả năng thể hiện gam màu kém hơn mặc dù Bạn in ấn với độ phân giải cao đến cỡ nào. Hình ảnh sẽ xuất hiện nhàn nhạt trên giấy này và không thể tỏa sáng trong bất kỳ cách thức nào. Loại giấy này chủ yếu được sử dụng cho các báo cáo, đóng tập tài liệu và các minh họa cho bài thuyết trình mà không có giá trị “kỷ niệm” về mặt hình ảnh.

Cách phân biệt

  • Bạn có thể cảm nhận được sự khác nhau của các loại giấy qua mắt nhìn, soi mặt giấy về hướng sáng, hoặc cảm nhận tay. Bề mặt giấy thể hiện chất lượng của giấy. Mặt sau của giấy thường in thương hiệu sản xuất, tuy nhiên ngoài thị trường ngày nay rất nhiều loại nhập nhằng, thành ra khó có thể dựa vào đó để phân biệt hay chọn mua. Cứ kiểm tra bề mặt dần dần sẽ quen.
  • Nếu là giấy chính hãng, rất đơn giản là chỉ xem chữ in ở đế giấy (mặt sau) là nhãn hiệu nhà sản xuất (Kodak, Fujifilm, Canon, Epson...) và thông tin loại giấy được in rất rõ ràng ngoài bao bì đựng: Photo Paper Matte / Glossy Premium / Semiglossy... Nhưng hiện nay, thị trường giấy rất phức tạp, nguồn gốc xuất xứ không thể biết đâu, bao bì nhãn mác thường là không có, loại khá hơn thì có hộp giấy nhưng thông tin không thật sự đúng. 
  • Glossy có loại 1 mặt và 2 mặt. Loại 2 mặt thường dùng in brochure, poster có khả năng chống thấm, hút mực tốt, bản in đẹp, mực không lem xuyên bề mặt.
  • Đọc kích thước, luôn viết chiều ngắn trước. Theo quy định giấy khổ A0 là 1m², từ đó tính các khổ giấy khác. Các khổ nhỏ hơn một bậc sẽ bằng 1/2 diện tích khổ trước.

Vài lưu ý

  • Các loại giấy in ảnh chúng ta đề cập, và bán rất nhiều ngoài thị trường, các tiệm bán máy in hay văn phòng thường là giấy in ảnh dành cho máy in phun mực (Inkjet Printer). Có cấu trúc bề mặt phù hợp cho việc hút mực khi đi qua đầu phun máy in. Nên nếu bỏ nhầm vào máy in Laser, giấy sẽ không bám mực, bong tróc, gây kẹt giấy, rách bao lụa hay xước trục ... cần cẩn thận.
  • Khi in, nhớ chọn đúng khổ giấy. Nếu không theo khổ nào thì chọn "user define" trên giao diện in để gõ vào kích thước giấy riêng. Lề giấy có "Minimize" để căn giấy đều bốn cạnh, nên chọn hay không tuỳ bạn. Thường in phun, giấy mỏng, khi gần hết giấy hay bị xiên lệch, nên việc căn lề phần dưới dư nhiều một chút cũng là việc nên.

Cách bảo quản

  • Nên cất nơi khô ráo, trên mặt phẳng. Bởi vì không khí ẩm thấp dễ làm mềm và hỏng giấy, hoặc giấy ẩm khi in với máy in phun sẽ dễ hỏng bản in, lem mực, rách giấy... Giấy in ảnh bề mặt bóng nếu bị ẩm, hơi nước rất dễ thay đổi bề mặt, giảm khả năng hút mực, ố vàng, thay đổi sắc màu ảnh khi in. Bảo quản giấy in ảnh cẩn thận là một việc rất cần thiết.
  • Máy in, bên trong khoảng không đầu phun và ray trượt in một thời gian hay có những bụi giấy bám vào các vật liệu, nên vệ sinh bằng máy hút bụi nhỏ, làm sạch không gian buồng in để buị giấy không làm ảnh hưởng lên mặt ảnh. Rất nhiều người bỏ qua việc này và 90% bản in bị ảnh hưởng là do để máy in dơ bẩn.

Tags: Giấy

< Previous Post Next Post >

Post a Comment